15/08/2019. Ô nhiễm, lạm dụng dùng các loại hóa chất trong nông nghiệp là trong số những nguyên nhân khiến rau củ quả ngày càng “suy dinh dưỡng”.
Rau củ quả ngày càng ít chất dinh dưỡng
Rau củ quả ngày càng ít đi chất dinh dưỡng hay còn gọi là rau củ quả “rỗng” chỉ bắt đầu xuất hiện khi các loại hóa chất trong nông nghiệp ra đời. Đây là hậu quả nghiêm trọng của nền nông nghiệp công nghiệp hóa.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, mật độ dưỡng chất trong rau củ quả đang sút giảm một cách tệ hại
Theo nhiều nghiên cứu, một quả táo được trồng vào những năm 1950 có thể cung cấp đủ vitamin cho cơ thể trong một ngày, thì ngày nay, chúng ta phải cần đến 5, 10, thậm chí là 20 quả táo thì mới đáp ứng đủ nhu cầu vitamin của cơ thể một ngày.
Các chất dinh dưỡng trong thực phẩm suy giảm nhiều, nếu xét về mật độ năng lượng calo có thể không thay đổi, nhưng thực ra chúng khá “rỗng”.
Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về vấn đề này khi khảo sát trên nhiều loại thực phẩm khác nhau. Táo chỉ là một ví dụ, những quả táo ngày nay nhìn bề ngoài có vẻ đẹp hơn loại táo của những năm 1950, nhưng hàm lượng các chất dinh dưỡng đã giảm sút nghiêm trọng. Quả cam ngày nay cũng có lượng sắt ít hơn 5 lần những quả cam từ vài thập niên trước.
Theo các nhà nghiên cứu Canada, sau 50 năm, củ khoai tây đã mất đi một nửa lượng vitamin C, sắt và một phần tư lượng canxi. Do đó có thể chúng ta sẽ phải cần ăn đến 5 trái chuối, 10 trái cam, và 26 trái đào để có được lượng vitamin A tương đương, đáp ứng cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Dù các nhà nghiên cứu không hoàn toàn cùng đồng ý với những tỉ lệ sụt giảm giá trị dinh dưỡng nêu trên. Mức độ suy giảm phụ thuộc theo từng loại rau củ quả, giống, mùa và địa lý… nhưng hầu hết họ đều thừa nhận rằng đây là một vấn đề thực tế.
Các vitamin đã đi đâu mất?
Nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm và khẳng định thực trạng đồ ăn ngày càng bị “suy dinh dưỡng” là một thực trạng và chúng xuất phát từ một số nguyên nhân như:
Nền nông nghiệp công nghiệp hóa với mật độ cây trồng cao, lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học… đã thúc đẩy tốc độ phát triển của cây, nhưng nó cũng làm giảm thời gian cần thiết để cây tạo ra và cố định các chất dinh dưỡng trong rau củ quả.
Kỹ thuật thâm canh bòn rút kiệt quệ sự màu mỡ của đất, khiến đất trở nên nghèo dinh dưỡng. Cây được trồng trên đất cằn cỗi cũng cằn cỗi theo. Rau quả to xác vì phân hóa học và chất kích thích tăng trưởng, nó cũng không còn vị đậm đà, ngọt lành cùng với những dưỡng chất nguyên sơ nữa. Ngoài ra, việc sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp còn gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp thường được trồng ở một nơi, sơ chế đóng gói ở một nơi và chuyên chở đi tiêu thụ ở một nơi khác có thể từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ châu lục này sang châu lục khác nên mất rất nhiều thời gian, từ đó, làm giảm giá trị dinh dưỡng của rau củ quả.
Để trái cây đều, đẹp, ít bị dập nát hư hao, người ta đã thu hái ngay từ lúc chúng chưa kết thúc quá trình tích lũy dưỡng chất, đặc biệt là những loại cần phải có ánh nắng mặt trời để hình thành, như các hoạt chất anthocyanin, polyphenol… là những chất giúp cơ thể người chống lại ung thư, lão hóa, tiểu đường… Một số loại trái cây nếu hái sớm thì lượng vitamin C coi như là bằng không.
Giải pháp để rau củ quả giàu dinh dưỡng trở lại
Với những nguyên nhân như trên, giải pháp đưa ra cho người làm nông nghiệp để giúp rau củ quả trở nên giàu chất dinh dưỡng trở lại chính là hướng về tự nhiên: Không thâm canh, thay đổi phương pháp canh tác, hạn chế tối đa sự can thiệp của hóa chất, không thu hái khi nông sản chưa “chín mùi”, không vận chuyển xa,…
Chỉ mua rau quả quả đúng mùa: Ngày nay, tâm lý muốn ăn mọi loại trái cây rau củ quanh năm bốn mùa của đại đa số người tiêu dùng đã khiến những người làm nông sẵn sàng làm mọi cách để tạo ra các mặt hàng nông sản trái mùa cung cấp ra thị trường.
Việc này gián tiếp gây nên tình trạng rau củ quả bị “ép” phải sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tự nhiên không phù hợp bằng sự can thiệp của các chất hóa học. Tất nhiên, vì thế mà chúng cứ “suy dinh dưỡng” dài dài.
Ủng hộ nông sản địa phương: Dù nông sản địa phương có thể không đẹp bằng nông sản nội ngoại nhập nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra nguồn gốc, cũng như là hạn chế được việc tiêu thụ phải nông sản “suy dinh dưỡng” được thu hoạch trước đó cả tháng mà bây giờ mới đến tay.
Khuyến khích việc sử dụng nông sản “của nhà trồng được”, nếu không thể trồng, người tiêu dùng nên chọn mua nông sản bản địa ngay tại nơi mình sinh sống. Sẽ càng tốt hơn nếu chúng được trồng theo phương pháp hữu cơ dân dã truyền thống
(moitruong.com.vn)