Dòng sông Tô Lịch giữa lòng Thủ đô đang ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Bảo Loan
Dự án làm sạch sông Tô Lịch bắt đầu khởi động
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội, dự án “Tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản” vừa bắt đầu được thí điểm, đưa vào sử dụng, tại đầu nguồn sông Tô Lịch. Đây là dự án được tin tưởng sẽ cải thiện đáng kể môi trường, khắc phục mùi hôi thối lâu nay, nhằm “tái sinh” dòng sông Tô Lịch.
Theo thuyết minh kỹ thuật từ chuyên gia Nhật Bản, các máy xử lý chạy bằng năng lượng điện, được đặt chìm dưới lòng sông, tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng ôxy, xử lý bùn thải, tạo nên dòng nước trong lành hơn. Mặc dù có thiết kế khá đơn giản và nhỏ gọn, thế nhưng những chiếc máy này, lại có khả năng xử lý tới 1,35 triệu m3 nước thải trên một ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải mà sông Tô Lịch phải tiếp nhận trong cùng thời gian. Từ đó, có thể kỳ vọng nước thải luôn được xử lý triệt để mà không có tình trạng lưu lắng, gây bốc mùi ở sông Tô Lịch.
Thoả mãn mong ngóng của cư dân Thủ đô
Máy xử lý nước thải được đặt thí điểm tại đầu nguồn dòng sông Tô Lịch.
Trước thông tin trên, nhiều người dân Thủ đô “nín thở” để chờ đợi sự thay đổi kỳ diệu ở đoạn sông này và tin tưởng vào sự thành công, hiệu quả của dự án. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, ngột ngạt này. Bởi giấc mơ cải tạo dòng “sông chết” của người dân Thủ đô đã được nung nấu hàng chục năm nay. Đặc biệt, vào cuối năm 2018, UBND TP Hà Nội nhận được đề xuất của một doanh nghiệp về việc cải tạo sông Tô Lịch thành điểm du lịch và khai thác tiềm năng kinh tế. Mặc dù đề xuất đã vấp phải nhiều ý kiến, phân tích trái chiều. Tuy nhiên, nhiều người dân Thủ đô vẫn khắc khoải, mong ngóng một dòng “sông chết” được cải tạo, làm sạch, được trở về không gian thoáng đãng và trở thành điểm du lịch, giao thương vốn có của dòng sông.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Nguyễn Thị Tâm (65 tuổi, ở đường Kim Giang, Hà Nội) cho biết: “Nếu không phải cư dân sống gần lưu vực sông Tô Lịch thì không thể cảm nhận hết được sự ô nhiễm của dòng sông. Mùi hôi thối tạt vào nhà bất kể sáng hay chiều. Nhất là các buổi chiều, hướng gió thay đổi, gia đình tôi phải đóng cửa “y án” để né tránh mùi hôi phát ra từ sông. Có thể nói, mức độ ô nhiễm của dòng sông lịch sử này ngày càng nghiêm trọng, bởi vì càng lùi về phía hạ lưu, mức độ ô nhiễm càng tăng so với phía thượng lưu, nước sông càng đen sì, bẩn thỉu và bốc mùi hôi thối. Vì vậy, những người dân sinh sống ở gần sông Tô Lịch như gia đình tôi rất muốn, dòng sông được cải tạo”.
Tương tự, ông Vũ Văn Phiên (66 tuổi, ở 39 phố Giáp Nhất, Thanh Xuân) cho biết: “Thực ra, dòng sông Tô Lịch đã là dòng “sông chết” nhiều thập kỷ, rất khó để có thể làm sạch. Bởi muốn xử lý được dòng sông ô nhiễm này, tôi nghĩ trước tiên phải xử lý nguồn nước thải là những ống cống ngày đêm xả nước thải vào sông, đáng nhẽ hệ thống nước ô nhiễm phải được đưa vào đường thu gom riêng, sau đó mới làm sạch sông. Nhưng tôi tin vào công nghệ của đất nước Nhật Bản và hy vọng, dự án thử nghiệm thành công. Nếu dự án thực sự đáp ứng được sự mong mỏi bấy lâu nay của người dân thì chính quyền Hà Nội cần nhân rộng khắp dòng sông, đặc biệt là khu vực hạ lưu từ đoạn Ngã Tư Sở trải dài đến khu Định Công, Hoàng Mai”.
Cũng theo ông Phiên, để tiến độ xử lý nước thải tăng lên thì hệ thống xả thải trong khu vực thành phố đổ ra sông Tô Lịch cần được ngăn lại hoặc có hướng đi riêng biệt. Việc ngăn các dòng chảy ô nhiễm vào sông Tô Lịch mới là căn cơ để tránh tình trạng “máy cứ chạy, ô nhiễm vẫn cứ tăng” giúp việc vận hành máy xử lý nước thải, đạt được hiệu quả tối ưu.
Mặc dù người dân ủng hộ dự án thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch và hy vọng có thể “lan toả” khắp dòng sông. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng tỏ ra lo ngại, dự án khó có thể thành công. Bởi lẽ, nguồn nước của sông Tô Lịch ngày nay là nước xả thải, nếu không có nguồn nước sạch dẫn vào thì khó có thể xử lý sạch. Hơn nữa, sông Tô Lịch nhận 150.000m3 nước thải bẩn đổ vào hàng ngày thì việc xử lý này chẳng nghĩa lý gì. Việc cấp bách là phải xử lý từ nguồn gốc gây ô nhiễm, từ ý thức của mỗi người là không ném rác xả thải bừa bãi xuống sông cuối cùng mới đến xử lý dòng sông. Cũng cần tính đến phương án bơm nước sông Hồng qua hồ Tây để bão hoà một phần lớn nước thải vào sông Tô Lịch. Còn đầu tư lâu dài là cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và lọc trước khi đưa trở lại sông. Có như vậy mới có thể triệt để được.
Theo Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) - đơn vị tiến hành quan trắc nước sông Tô Lịch vào năm 2013: Lượng ôxy hòa tan thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn. Lượng oxy hóa học trong nước (COD), oxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.