Đang gửi

Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu): 19 năm người dân xã Tóc Tiên sống chung với ô nhiễm?

24/04/2019

Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu): 19 năm người dân xã Tóc Tiên sống chung với ô nhiễm?

BVR&MT – Phản ánh đến Tòa soạn Bảo vệ Rừng và Môi trường, người dân sinh sống trên địa bàn xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ bức xúc về việc suốt 19 năm qua phải sống chung với ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước trầm trọng bắt nguồn từ hoạt động của Xưởng sản xuất bột mì Công ty TNHH MTV Hải Triều.

Choáng váng khi ngửi phải mùi hôi thối

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có mặt tại địa phương để tìm hiểu thực tế về hiện trạng môi trường nơi đây. Ghi nhận đầu tiên là xung quanh khu vực Xưởng sản xuất bột mì có mùi hôi nồng nặc, nhiều người ngửi mùi này lần đầu tiên có thể bị nôn tháo, gây cảm giác chóng mặt.

Qua tìm hiểu được biết Xưởng sản xuất bột mì trên là của Công ty TNHH MTV Hải Triều (Công ty Hải Triều) có địa chỉ tại ấp 6, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công ty Hải Triều đã ký hợp đồng liên doanh liên kết với Trung tâm xã hội – Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và làm Xưởng sản xuất bột mì đến nay đã được trên dưới 19 năm.

Những điểm xử lý chất thải của Xưởng sản xuất bột mì Công ty TNHH MTV Hải Triều được đầu tư xây dựng sơ sài, mặc kệ với nắng mưa, những điểm hố biogas được xây gần khu dân cư cứ phồng lên, căng tròn đe dọa tới an toàn cháy nổ….

Người dân ở đây cho biết, trước đây cứ vào mùa cao điểm chế biến mì, lượng nước thải từ xưởng lại vô tư chảy tràn ra xung quanh, không có biện pháp xử lý nên ô nhiễm không khí và nguồn nước càng trở nên trầm trọng. Hiện nay Công ty đã làm hệ thống xử lý nước thải nhưng mùi hôi thối vẫn không hề giảm. Không ai dám ra ngoài, lúc nào nhà cũng phải đóng kín cửa, khiến cuộc sống, sinh hoạt của bà con gặp nhiều trở ngại.

“Lợi nhuận thì Xưởng, Công ty, Trung tâm Xã hội và Sở Lao động hưởng, còn ô nhiễm thì nhân dân chúng tôi chịu, nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nhân dân trong vùng, bệnh tật…Không biết mấy ông ở Sở Lao động có biết điều này…?”, một người dân trong khu vực tỏ ra bức xúc.

Nước thải được hút thẳng vào những hố biogas mà không hề có nắp đậy bảo vệ.

Cũng theo người dân, do các hồ chứa nước thải không được đầu tư thực hiện theo đúng kỹ thuật, nên giếng nước của bà con trong vùng đã chuyển sang màu trắng đục và bốc mùi hôi thối, nước giếng đó tưới cây còn chết thì làm gì ai dám sử dụng để sinh hoạt, các ao cá xung quanh đều phải bỏ do ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Thoái thác trách nhiệm?

Để làm rõ thông tin phản ánh của bạn đọc liên quan đến Xưởng sản xuất bột mì của Công ty Hải Triều nghi gây ô nhiễm môi trường, ngày 16/04/2019, phóng viên đã liên hệ làm việc với Trung tâm Xã hội – Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Hồng – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Phần diện tích đất Xưởng bột mì đang hoạt động thuộc diện tích quản lý của Trung tâm. Trung tâm được giao đất để thực hiện dự án trồng cây cao su, nhưng phần diện tích trên không trồng được nên Trung tâm có ký hợp đồng liên doanh liên kết với xưởng bột mì thuộc Công ty Hải Triều làm Xưởng sản xuất bột mì. Mặt khác, phía Công ty Hải Triều sẽ nhận một số đối tượng ở trung tâm có nhận thức tốt hơn các đối tượng khác để vào làm việc tại xưởng nhưng sau đó thấy không hợp lý nên chúng tôi đã không cho các đối tượng đang điều trị tại trung tâm làm việc tại nhà máy nữa”.

Ông Trần Thanh Hồng – Giám đốc Trung tâm Xã hội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Về phản ánh Xưởng sản xuất bột mì hoạt động gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối ông Hồng cho biết: “Đó là một số người ganh ghét đố kỵ chứ Xưởng hoạt động nhiều năm nay không thấy có mùi nghiêm trọng như phóng viên nói. Rất có thể do tôi cấm một số hộ dân chăn dắt bò vào khu vực quanh Xưởng nên họ ghét và viết đơn thư nặc danh làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy”.

Hàng ngàn mét vuông đất phục vụ dự án trồng cây cao su đã bị san phẳng, để nhường chỗ cho Xưởng sản xuất bột mì không có trong quy hoạch.

Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của nhà báo:
Khoản 2: Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

Để đảm bảo thông tin trung thực, khách quan, phóng viên đã đề nghị Trung tâm cung cấp một số hồ sơ liên quan đến chấp thuận của tỉnh về: Chủ trương đầu tư dự án trồng cây cao su, chủ trương cho phép Xưởng sản xuất bột mì hoạt động trên phần đất phục vụ dự án trồng cây cao su, hợp đồng liên doanh liên kết, Đánh giá tác động môi trường (DTM), xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và các văn bản giấy tờ khác liên quan tới việc Trung tâm đôn đốc Doanh nghiệp chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường… nhưng tiếc thay ông Hồng đã không đồng ý cung cấp và cho rằng không chấp nhận thẻ Nhà báo của phóng viên, Trung tâm chỉ cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan khi có có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.

Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc với Giám đốc Trung tâm, Phóng viên đã nhận được một cuộc điện thoại từ số máy 0913….3463 xưng tên Trang chỗ Xưởng sản xuất bột mì nơi phóng viên vừa đến và thống nhất hẹn làm việc với phóng viên vào sáng mai (tức ngày 17/04/2019) tại Xưởng.

Đúng 9h00 sáng ngày 17/04/2019, phóng viên đã có mặt tại Xưởng sản xuất bột mì của Công ty Hải Triều theo hẹn. Thay vì có mặt để làm việc với phóng viên theo lịch hẹn, vị này lại để ông Quang (tự xưng là chồng của Giám đốc) tiếp và làm việc với phóng viên.

Ngay lập tức ông Quang đã gọi điện thoại cho ông Hồng Giám đốc Trung tâm Xã hội nhờ “can thiệp”, kết thúc cuộc điện thoại ông Quang cho biết: “Anh Hồng Giám đốc Trung tâm Xã hội nói: Chỉ làm việc với phóng viên khi có giấy giới thiệu. Công ty không được làm việc với phóng viên kể cả có thẻ Nhà báo. Nếu Công ty cố tình làm việc sẽ tự chịu trách nhiệm”.

Ông Quang, đại diện Công ty Hải Triều.

Tôn trọng ý kiến của đại diện doanh nghiệp (mặc dù lịch hẹn này là do Giám đốc doanh nghiệp chủ động hẹn) phóng viên đã hẹn sáng ngày 19/04/2019 làm việc lại với đại diện của Công ty Hải Triều cùng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, ngày 19/04/2019 khi phóng viên đến làm việc theo lịch, ông Quang lại một lần nữa tiếp tục gọi điện cho ông Hồng Giám đốc Trung tâm Xã hội để “cầu viện”. Mặc dù phóng viên đã có trao đổi rõ với vị đại diện Công ty Hải Triều rằng: Công ty Hải Triều là tổ chức doanh nghiệp, hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp không thuộc quyền quản lý của Trung tâm Xã hội.

Mặc dù vậy ông Quang vẫn kiên quyết không hợp tác, dù phóng viên đã có giấy giới thiệu theo yêu cầu của Doanh nghiệp, bên cạnh đó ông Quang còn cho biết thêm: “Anh Hồng Giám đốc Trung tâm đã có ý kiến như vậy, tụi này đâu dám làm trái, mai mốt làm sao ổng không giúp thì tụi này chết à?”.

Như vậy, nếu đúng như ông Quang nói thì minh chứng một lần nữa ông Hồng lại tiếp tục can thiệp vào hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Điều này khiến công luận không khỏi băn khoăn liệu ông Hồng – Giám đốc Trung tâm Xã hội có lợi ích gì đối với Xưởng sản xuất bột mì của Công ty Hải Triều?

Ngoài ra ông Quang còn biết trước cả Chủ trương của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khi cho phóng viên của báo biết: “Sắp tới anh Long (lãnh đạo tỉnh) sẽ tiếp tục ký văn bản cho phép đơn vị tiếp tục được hoạt động trên phần đất của Trung tâm Xã hội”.

Người dân tố Công ty Hải Triều gây ô nhiễm nhiều năm qua liệu các ban ngành chức năng có biết?

Tình trạng ô nhiễm môi trường do Xưởng bột mì thuộc Công ty Hải Triều gây ra đã được cử tri có ý kiến nhiều lần, Giám đốc Trung tâm Xã hội, đại diện doanh nghiệp cũng đã thừa nhận nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Người dân vẫn tiếp tục ý kiến về tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước do Xưởng sản xuất bột mì của Công ty Hải Triều gây ra, còn Giám đốc Trung tâm Xã hội lại cho rằng không ô nhiễm môi trường.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng hoạt động của Xưởng sản xuất bột mì của Công ty Hải Triều đóng trên phần đất thuộc Trung tâm Xã hội – Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý có nhóm lợi ích nào đang chi phối nên tình trạng này mới để kéo dài gây bức xúc và bất bình trong quần chúng nhân dân?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Hoàng Tôn – Phượng Long

https://baovemoitruong.org.vn/phu-my-ba-ria-vung-tau-19-nam-nguoi-dan-xa-toc-tien-song-chung-voi-o-nhiem/

#ecocleanhanoi #ecobuy #ecoclean #baovemoitruong

www.ecobuy.vn